Tuyển dụng du lịch kiểu “vơ bèo gạt tép” tại châu Âu


Là khu vực phục hồi mạnh nhất của ngành du lịch thế giới, nhiều điểm đến ở châu Âu đang thiếu nhân lực trầm trọng. Ngay cả những khách sạn lớn cũng phải tuyển lao động phổ thông và không có kinh nghiệm. 

Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), châu Âu đang là khu vực phục hồi mạnh nhất của ngành du lịch thế giới. Quý I/2022, lượng du khách đến châu Âu gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Không còn nỗi lo vắng khách, các điểm đến châu Âu lại phải đối mặt với khủng hoảng về lao động ngành du lịch.

Nghiên cứu của Liên đoàn Du lịch Hy Lạp cho thấy các khách sạn nước này thiếu lao động cho 22 – 24% tổng số vị trí việc làm. Hiệp hội Khách sạn Síp cho biết lĩnh vực du lịch của nước này đang thiếu 5.000 lao động, tương đương 20% ​​tổng nhu cầu. Còn công bố của Hạ viện Anh hồi tháng 5 cho biết ngành khách sạn nước này còn thiếu 7,8% việc làm, tương ứng với hơn 166.000 vị trí.

Tình trạng thiếu lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nơi du lịch lần lượt chiếm 13% và 15% ngành kinh tế trước đại dịch Covid-19. Theo Reuters, chỉ riêng ngành dịch vụ ăn uống của Tây Ban Nha đang thiếu 200.000 lao động. Còn ở Bồ Đào Nha, các khách sạn cần thêm ít nhất 15.000 người để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Các chủ khách sạn ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phải trả lương cao hơn, cung cấp chỗ ở miễn phí và nhiều đãi ngộ tốt như bảo hiểm y tế và tiền thưởng. Tuy nhiên việc tuyển dụng lao động vẫn không hề dễ dàng. Ông Gabriel Escarrer – Giám đốc điều hành của Tập đoàn Melia cho biết rất nhiều nhân viên đã chuyển sang lĩnh vực khác, vì vậy chuỗi khách sạn này đang “bắt đầu lại từ đầu” và phải “tranh đấu để tìm kiếm nhân tài”.

Giám đốc vận hành của Hotel Mundial – một khách sạn nổi tiếng tại Lisbon (Bồ Đào Nha) cho biết đơn vị gặp khó khăn dù chỉ cần tuyển dụng 59 nhân viên: “Nếu không tuyển được, chúng tôi sẽ phải cắt giảm dịch vụ, cắt giảm lượng khách. Đây là bi kịch với ngành du lịch vốn đã không có doanh thu trong hai năm qua”.

Để duy trì hoạt động trong mùa cao điểm, nhiều đơn vị du lịch – dịch vụ phải tuyển người theo kiểu “vơ bèo gạt tép”. Chuỗi khách sạn lớn nhất châu Âu là Accor đang thiếu 35.000 nhân viên trên toàn cầu. Để giải quyết thiếu hụt trước mắt, tập đoàn này phải hạn chế các dịch vụ và bắt đầu tuyển dụng lao động trẻ, người nhập cư và cả người hoàn toàn không có kinh nghiệm trong ngành. Các lao động chỉ được đào tạo trong 6 tiếng trước khi bắt đầu làm việc.

Tại đợt tuyển dụng vừa qua ở Lyon và Bordeaux (Pháp), nhiều lao động không có sơ yếu lý lịch, không có kinh nghiệm làm việc đã được Accor tuyển dụng chỉ trong vòng 24 giờ. “Đó là các sinh viên đến từ Bắc Phi. Chúng tôi cũng đóng cửa các nhà hàng phục vụ bữa trưa, hoặc mở cửa 5 ngày/tuần. Không có giải pháp nào khác” – ông Sebastien Bazin, Giám đốc điều hành Accor nói.

Giám đốc điều hành khách sạn Villa Copenhagen (Đan Mạch) cho biết: “Chúng tôi tuyển dụng hàng ngày. Ngày nào khách sạn cũng phải gặp những ứng viên tiềm năng để ký hợp đồng”. Với cách tuyển dụng này, Villa Copenhagen không khác gì một “Liên Hợp Quốc” khi đội ngũ lao động của khách sạn có tới 40 quốc tịch khác nhau.

Ở Madrid (Tây Ban Nha), chủ quán bar Tabanco de Jerez cho biết chỉ có thể mở cửa vào cuối tuần, khi các sinh viên được nghỉ học và đi làm tại quán. Còn chủ quán Angosta Tavern chọn cách tuyển dụng những lao động nhập cư. Ở thị trấn nghỉ mát Cascais (Bồ Đào Nha), khu nghỉ Hotel Baía phải nhờ cậy đến các công ty chuyên cung cấp lao động thời vụ.

Nghịch lý là khi ngành du lịch Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thiếu lao động nghiêm trọng, theo số liệu của Eurostat, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện cao thứ hai ở châu Âu, với 29% người dưới 25 tuổi không có việc làm. Ở Bồ Đào Nha, khoảng 20% người trong độ tuổi từ 16 – 24 đang thất nghiệp.

Dù thất nghiệp nhưng nhiều thanh niên bản địa không muốn làm nghề ngành dịch vụ, do tính thời vụ và mức lương thấp. Lao động ngành du lịch được nhận khoảng 1.100 – 1.300 EUR/tháng tại Tây Ban Nha; còn ở Bồ Đào Nha chỉ trung bình 881 EUR/ tháng, tức là cao hơn chút ít so với mức lương tối thiểu 705 EUR/tháng tại nước này. Ngoài ra, việc thiếu nhân lực khiến người lao động sẽ phải tăng ca, làm việc nhiều và vất vả hơn trong mùa cao điểm này.

Trước đây, ngành du lịch ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư, giờ đây những người này vẫn chưa thể trở lại vì các hạn chế do Covid-19. Giám đốc điều hành Accor dự báo vấn đề nhân lực ngành du lịch tại châu Âu sẽ còn trầm trọng hơn vào tháng 7 hoặc tháng 8, khi công suất các khách sạn đạt 100% so với chỉ từ 60 – 70% như hiện nay.

Theo vov.vn-6/7/2022

Link nguon:https://vov.vn/du-lich/tuyen-dung-du-lich-kieu-vo-beo-gat-tep-tai-chau-au-post954788.vov