Phú Quang – nhạc sĩ của những bản tình ca bất hủ về Hà Nội
Nhạc sĩ Phú Quang ra đi nhưng những bản tình ca lãng mạn về Hà Nội và tên tuổi ông sẽ mãi được yêu mến như hàng chục năm qua.
Một sáng mùa thu tháng 10/2017, Phú Quang ngồi hút xì gà bên ly cà phê ở góc quán quen đầu phố Lý Thường Kiệt, đối diện nhà hát Lớn. Xung quanh ông là những thành viên êkíp, họ cùng bàn về liveshow Cho những ngày thu muộn. Đó liveshow thứ hai của ông trong năm và đã cháy vé, như thường lệ.
Một sáng mùa hè tháng 7/2019, vẫn là Phú Quang với điếu xì gà, ly cà phê và góc quán đó như bao ngày bình thường trong nhiều năm qua. Ông nói về liveshow Mùa thu giấu em của Ngọc Anh 3A. Đó là chương trình ông tham gia với vai trò khách mời.
Hầu hết cuộc gặp gỡ báo chí trước show diễn của ông đều diễn ra quanh bàn cà phê, không phát biểu hay thủ tục gì. Ở tuổi ngoài 70, ông đôi khi đãng trí, kể lại câu chuyện vừa kể nhưng chi tiết thì không sai lệch và vẫn khiến người nghe bật cười vì cách nói chuyện hài hước. Điều đó giống các liveshow của ông, vẫn là những bài hát và ca sĩ quen thuộc nhưng chưa bao giờ hết sức hút. Lần nào được hỏi về điều mới mẻ trong liveshow, Phú Quang cũng bảo “nhạc của tôi vẫn thế thôi”. Thế nhưng, khán giả vẫn phải đặt vé từ sớm hoặc chờ đến lượt để có chỗ ngồi đẹp trong liveshow do ông tổ chức.
Phú Quang sở hữu kho tàng 600 ca khúc, đa phần viết về Hà Nội. Đó hầu hết là những dòng hồi ức, nỗi nhớ nhung được viết khi nhạc sĩ tha hương ở Sài Gòn hơn 20 năm. Nhạc sĩ từng nói: “Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng, tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”. Ông đưa phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, heo may, góc phố quen… vào nhạc của mình, từ đó vẽ nên một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn nên thơ. Nhạc sĩ nói dù đi đâu ông cũng mang theo Hà Nội trong lòng. Hà Nội của ông không có xe cộ tấp nập, kẻ bán người mua mà tĩnh lặng, lãng đãng, mơ hồ. Mảnh đất ấy ghi dấu những mối tình đã qua nhưng khó phai mờ ở từng góc phố, quán quen, con đường… Nhạc của Phú Quang chủ yếu là phổ thơ nhưng lời thơ hòa quyện với âm nhạc, như nói lên nỗi lòng ông:
“Dường như ai đi ngang cửa gió mùa đông bắc se lòng
Chiếc lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi” (Nỗi nhớ mùa đông)
Mỗi bài hát của Phú Quang đều có dáng dấp một cô gái nhưng ông chưa bao giờ tiết lộ đó là ai. Nhạc sĩ từng nửa đùa nửa thật nói: “Tôi có mấy trăm ca khúc, nếu mỗi ca khúc đều viết về một em thì tôi thành xác ve à”. Dù đối phương là cô gái nào, người nghe vẫn cảm nhận được sự nuối tiếc, hoài niệm của chàng trai đa tình, lãng mạn, khát khao được ở bên người yêu trong những bài hát của Phú Quang:
Tình yêu với âm nhạc của Phú Quang cũng “cực đoan” chẳng kém tình yêu với Hà Nội. Ông đặt ra yêu cầu cao với ca sĩ hát nhạc của mình. Giọng hát hàng đầu như Thanh Lam cũng từng phải đứng ngoài các show diễn của Phú Quang chỉ vì “điên” nhiều hơn yêu cầu. Trong một lần sang Mỹ biểu diễn cách đây nhiều năm, Thanh Lam nửa đùa nửa thật phàn nàn với ông rằng: “Cháu hát cho chú bao nhiêu mà chú chẳng cho cháu đi, chỉ cho Ngọc Anh đi”. Nghe thấy vậy, nhạc sĩ sinh năm 1949 giải thích: “Chú không mời cháu vì nhiệt độ trung bình của cháu lúc nào cũng 41 độ C trong khi người bình thường chỉ có 37. Đó là chưa kể người ta chỉ được phép điên đến 3 thì cháu lại điên đến 10. Vì thế chú không dám mời cháu”. Một năm sau đó, khi nhạc sĩ Phú Quang từ Mỹ về Việt Nam, Thanh Lam đã tìm đến ông và nói: “Chú ơi, bây giờ cháu 37 độ rồi và chỉ điên 3 thôi. Chú cho cháu hát đi”. Từ đó, nhạc sĩ Phú Quang mới thường xuyên mời diva nhạc Việt trong các đêm nhạc của mình. Nhờ góp ý của ông, cô ngày càng biết kiểm soát cảm xúc khi lên sân khấu.
Phú Quang không chấp nhận ca sĩ hát sai lời hay sửa nốt của ông. Thu Phương từng bị nhạc sĩ mắng trên truyền hình vì “phiêu” khi hát Nỗi nhớ mùa đông, làm sai một nốt. “Nhạc của tôi không vặn vẹo, uốn nắn được, cứ một là một, hai là hai. Tính tôi cứng nhắc ở chuyện đó. Khi viết, tôi đã phải trăn trở rất nhiều để có được nốt nhạc ấy, thêm một số nốt khác để phiêu linh cũng không được, thậm chí nếu biến báo thì dù là thiên tài cũng làm hỏng nhạc của tôi. Thầy giáo dạy toán chính xác thế nào thì các bạn cứ hát nhạc của tôi y như vậy”.
Ông không đồng ý ca sĩ mặc hở hang khi hát nhạc của mình và Minh Chuyên cũng từng bị nhắc nhở trước mặt báo chí. Khi đó, ông nói: “Tôi không thích ca sĩ mặc hở hang vì người ta sẽ không nghe nhạc của tôi mà chỉ nhìn chỗ hở hang của các bạn. Tôi chỉ muốn ca sĩ mặc thật nghiêm chỉnh. Hơn nữa, nhạc của tôi cũng không có gì gọi là khêu gợi cả. Tôi chỉ yêu cầu các ca sĩ hát giản dị, nếu cố diễn thì sẽ thất bại”.
Chăm chỉ làm đêm nhạc riêng nhưng chương trình nào nhạc sĩ cũng rất kỹ càng. Ông thường chọn thời điểm cuối thu sang đông để tổ chức đêm nhạc vì cho rằng thu muộn là một khoảnh khắc ngắn ngủi trong mùa thu Hà Nội khi những cơn gió heo may bất chợt ùa về khẽ chạm vào vai áo, chạm tới những rung động sâu thẳm nhất trong mỗi con người. Đó cũng là lúc thích hợp nhất để nghe nhạc của ông. Làm show ở Hà Nội, ông chỉ chọn duy nhất một địa điểm là Nhà hát Lớn Hà Nội vì nơi này mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả. Từng được thuyết phục tổ chức ở nơi khác có chi phí rẻ hơn nhưng chỉ vì không thể chọn loại thảm khán phòng theo ý mình, ông tuyên bố không bao giờ quay trở lại. Nhạc sĩ không bao giờ tặng vé vì cho rằng những người thực sự trân trọng nhạc Phú Quang sẽ bỏ tiền mua. Ông cũng không lệ thuộc vào tên tuổi ca sĩ nào khi tổ chức show vì cho rằng chương trình của mình không cần ai để quảng bá, chỉ cần tên Phú Quang là đủ.
Nổi tiếng khó tính và thẳng thắn, Phú Quang không ngại góp ý cho các nghệ sĩ trẻ, thậm chí mắng vốn nếu không thấy hài lòng. Tuy nhiên, ai cũng thấy đó là những lời nhận xét quý báu từ một nhạc sĩ tài hoa. Nhờ những góp ý của ông, nhiều người xây dựng được tên tuổi trong làng nhạc Việt. Tấn Minh hay Ngọc Anh 3A đều khẳng định cả đời không thể quên ơn nhạc sĩ Phú Quang. Ông giờ đã trở thành huyền thoại của những bản tình ca bất hủ gắn bó với nhiều thế hệ yêu nhạc như: Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Điều giản dị…
Fanpage nhạc sĩ Phú Quang sáng 8/12 đăng câu hát trong bài Lời rêu của ông để báo tin buồn: “Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại…”.
Nhạc sĩ qua đời lúc 8h45 sáng 8/12 tại bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô sau hơn một năm nằm viện vì biến chứng tiểu đường, hưởng thọ 72 tuổi. Ông sinh năm 1949 ở Phú Thọ, quê gốc ở Hà Nội.