Nhạc sĩ Phú Quang ra đi trong nỗi khắc khoải giữa mùa đông


Người thân, bạn bè, khán giả dành cho Phú Quang nỗi nhớ khắc khoải khi chia tay trong tang lễ giữa mùa đông giá buốt.

Lễ viếng nhạc sĩ Phú Quang diễn ra sáng 13/12 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Nhân Tông. Sân nhà tang lễ phủ kín bóng áo đen đứng chờ viếng nhạc sĩ, đôi lúc co ro dưới cái lạnh hanh hao của những ngày mùa đông Hà Nội. Tang lễ diễn ra trang trọng, chỉn chu từng chi tiết như cách ông tổ chức những liveshow riêng vào cuối thu hàng năm. Người nhà mặc vest đen chỉnh tề đứng phục vụ, hướng dẫn khách đến viếng. Từng đoàn người thuộc nhiều thành phần khác nhau gồm chính trị gia, doanh nhân, nghệ sĩ, nhà thơ, sinh viên nhạc viện, các cụ hưu trí… lặng lẽ nhìn nhạc sĩ lần cuối trong tiếng nhạc Em ơi, Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu, Nỗi nhớ mùa đông…

Di ảnh nhạc sĩ Phú Quang tại tang lễ sáng ngày 13/12. Ảnh: Giang Huy

Di ảnh nhạc sĩ Phú Quang tại tang lễ sáng ngày 13/12. Ảnh: Giang Huy

Bà Trịnh Anh Thư, vợ Phú Quang, đôi lần khụy gối, khóc to thành tiếng khi làm lễ rồi nghẹn ngào trước linh cữu chồng. Hơn một năm rưỡi ông đổ bệnh, bà túc trực chăm sóc. Giờ đây, khi nghe những giai điệu khắc khoải của ông cất lên, bà dường như không kiềm được xúc động:

“Mênh mông quá, khoảng trống này ai lấp
Khi thanh âm cũng bất lực như lời”

Cách nhau 20 tuổi, hai người gắn kết nhờ tình yêu âm nhạc, hội họa. Nhạc sĩ từng viết tặng vợ ca khúc Mùa thu giấu em (phổ thơ Doãn Thanh Tùng) với những lời lẽ ngọt ngào: “Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Phía cuối con đường anh chợt nhận ra em/ Em ào tới chợt xôn xao lá đổ/ Xóa nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm…”. Đến với nhau khi nhạc sĩ đã ở ở tuổi xế chiều, hai người không có con chung. Bù lại, ông yêu thương và lo con riêng của vợ như con đẻ. Đứng cạnh bà Trịnh Anh Thư, các con của nghệ sĩ tỏ ra bình tĩnh hơn nhưng đôi lúc vai cũng run run theo từng câu hát vang lên khắp không gian nhà tang lễ.

Vợ, con bên linh cữu nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Giang Huy

Vợ, con bên linh cữu nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Giang Huy

Anh Phú Vương, con trai nhạc sĩ thay mặt gia đình xin phép được trò chuyện riêng với cha: “Bố yêu quý ơi, chúng con có mặt đầy đủ tại đây không phải để bố rủ đi ăn sáng uống cafe hay nghe những bài hát mới mà để đưa bố về Phú Thọ, nơi bố sinh ra và ở suốt năm năm đầu đời. Bố là người sinh ra chúng con và dạy chúng con làm gì cũng phải đến cùng, luôn kiêu hãnh như một chính nhân. Hơn 600 tác phẩm trong sự nghiệp của bố là gia tài cho đời và chúng con. Bố ạ, bố luôn dạy chúng con những điều bình dị nhất và giúp chúng con được trở thành mình của ngày hôm nay. Hơn một năm rưỡi qua, bố đã cố gắng hết sức, chịu đau nhiều rồi. Bố ra đi thanh thản bố nhé, cảm ơn bố vì đã là bố của chúng con”.

Đã năm ngày sau khi nhạc sĩ qua đời, các nghệ sĩ vẫn chưa hết xúc động khi nói về ông. NSND Lê Khanh mắt đỏ hoe cho biết bà không thể nói gì lúc này, phải mất một thời gian nữa chắc mới đủ bình tĩnh. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang thường mời Lê Khanh làm người dẫn chuyện cho các liveshow của ông và nói bà là người phụ nữ đậm chất Hà Nội, có thể truyền tải tinh thần những tác phẩm ông viết. Ca sĩ Đức Tuấn bay từ Sài Gòn còn Minh Chuyên bay từ Nha Trang ra Hà Nội đêm qua để kịp tham gia lễ viếng lúc sáng sớm. Khi được hỏi về ông, Đức Tuấn mất vài giây im lặng mới lên tiếng. Anh nói mình gắn bó với nhạc sĩ như gia đình từ năm 2016. Từ khi ông đổ bệnh, anh thường xuyên ra thăm và lần gặp cuối cùng là tháng 3, trước khi dịch diễn biến phức tạp. Lần đó, nghệ sĩ sức khỏe yếu nhưng vẫn tỉnh táo và nhận ra anh. Ông ra đi khi dự định dành cho Đức Tuấn chưa kịp thực hiện. Đó là nỗi nuối tiếc lớn với riêng Đức Tuấn nhưng anh vẫn cho rằng cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ đã quá vẻ vang, vẹn tròn và không còn gì phải luyến tiếc.

Thanh Lam, Tùng Dương lặng lẽ lấp ló trong đoàn người đến viếng và viết sổ tang. Cả hai không thể quên những đêm nhạc được làm cùng ông. Tùng Dương nhớ mãi hình ảnh Phú Quang ngồi nghe anh hát bài Mẹ và rơi nước mắt trong khi Thanh Lam ấn tượng sự chỉn chu của ông trong mỗi chương trình.

Phú Quang là một trong những nhạc sĩ phổ thơ tài hoa nhất. Nhiều nhà thơ trở thành bạn thân của nhạc sĩ sau khi được ông phổ nhạc, nay cũng có mặt hoặc nhờ người nhà đến tiễn đưa ông. Nhà thơ Thụy Kha (72 tuổi) cảm động vì được tiễn bạn đúng lúc bài Khúc mùa thu vang lên. Trong sổ tang, nhà thơ khóc bạn:

“Thôi xa nhé những ngày yêu dấu cũ
Những mùa đông thuở trước thân
Thôi xa nhé những gì từng như lửa
Cõi xa xăm chờ đón gió sương”

Điểm lại những thành tựu của nhạc sĩ Phú Quang trong lời điếu, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói ông là tượng đài bất hủ của những ca khúc khắc khoải tình yêu Hà Nội. Nhiều tác phẩm của ông dù chẳng có từ nào trực tiếp nhắc đến Hà Nội vẫn ăm ắp những nét đẹp của mảnh đất là nơi ông lớn lên, có căn nhà bị sập vì bom B52 của cha mẹ, đầy hoài bão tuổi trẻ rồi từ đó ra đi để khắc khoải trở về và viết nên những ca khúc sống mãi với thời gian.

NSND Lê Khanh chia buồn với bà Trịnh Anh Thư, bà xã của nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Giang Huy

NSND Lê Khanh chia buồn với bà Trịnh Anh Thư, bà xã của nhạc sĩ Phú Quang. Ảnh: Giang Huy

Sự nghiệp âm nhạc của Phú Quang bắt đầu từ những năm tháng học nhạc cụ, chỉ huy ở trường nhạc và viết những bản nhạc khí. Bước ngoặt lớn đến vào năm 1985, khi ông quyết định Nam tiến và từ đó lúc nào cũng khắc khoải về Hà Nội. Trong các tác phẩm của ông luôn ẩn hiện tình yêu cháy bỏng, đầy khát khao nhưng xa vời, không thể với đến và trở thành nỗi khắc khoải dành cho Hà Nội. 23 năm tha hương cũng là 23 năm sung sức và rực rỡ nhất của ông với những ca khúc Em ơi, Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu… Trở về thủ đô từ năm 2008, ông thường xuyên tổ chức các đêm nhạc vào cuối xuân và cuối thu hàng năm. Mỗi chương trình của ông đều chỉn chu đến từng chi tiết như cách ông viết cân nhắc từng nốt nhạc với các bài hát.

Cho anh và cũng là cho em với giọng ca của nghệ sĩ Quang Lý là bài hát cuối cùng được cất lên trong tang lễ Phú Quang:

“Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về cuối trời
Rồi thời gian cũng sẽ trôi qua cùng bao buồn vui
Những nét chữ xưa cũng sẽ phai mờ theo năm tháng
Mãi trong lòng ta vẫn còn bài ca”.

Hướng mắt theo linh cữu, một nhóm khán giả ngoài 60 tuổi tay cầm những tờ báo viết về Phú Quang, nói họ dành cả đời hâm mộ âm nhạc của ông, đặc biệt là những bài hát về Hà Nội. Cô Hoa (Hà Nội) nói không chỉ cô mà tất cả các thành viên trong gia đình đều yêu nhạc Phú Quang. Mấy ngày qua cô buồn không ngủ được, đòi con gái đưa đi khắp những địa điểm gắn với những tác phẩm của cố nhạc sĩ như đường Nguyễn Du, phố Khâm Thiên, Hồ Tây… Nhạc sĩ ra đi đúng những ngày Hà Nội rét đậm càng khiến cô thêm khắc khoải. Nữ khán giả nuối tiếc vì không cập nhật báo mạng về tình hình sức khỏe của ông để tới thăm.

Trong sổ tang, một khán giả tên Nguyễn Hữu Quang viết: “Chú mất là niềm thương tiếc sâu sắc của toàn thể người dân Hà Nội yêu quý những nốt nhạc chú viết”.

Theo Chi Yên/ngoisao.net-13/12/2021

Link nguon:https://ngoisao.net/nhac-si-phu-quang-ra-di-trong-noi-khac-khoai-giua-mua-dong-4402344.html