Người Thứ 3: Mới sinh được 10 ngày, vợ bị chồng ‘nện’ tơi tả, đòi ném con vì nuôi không nổi
Người Thứ 3 tuần này xoay quanh câu chuyện hôn nhân tan vỡ của chị Bùi Thị Châm (44 tuổi).
Đến với chương trình, chị Châm có nguyện vọng bật đèn lộ diện ngay từ đầu. Chị đến với một tinh thần bình thản để chia sẻ những tâm tư và trải nghiệm hôn nhân của mình.
Câu chuyện bắt đầu sau khi chị du học từ Nhật trở về năm 2007. Cả hai là người cùng quê Nghệ An nhưng chưa từng tiếp xúc. Chồng chị chia sẻ “thầm thương trộm nhớ” chị Châm khá lâu trước đó và mong chờ ngày chị về Việt Nam. Về phần mình, chị Châm nhận thấy đối phương đáp ứng đủ tiêu chí đề ra và đúng gu của mình nên đồng ý tiến tới. Vì cũng đã đến tuổi kết hôn nên cả hai quyết định kết hôn một năm sau đó.
Trong thời gian yêu nhau, chị Châm có chuyển công tác về Biên Hòa, cũng gần nhà gia đình chồng. Qua những lần tiếp xúc, chị nhận thấy bố mẹ chồng khá hiền lành, mỗi lần đón tiếp con dâu đều đãi tiệc. Vốn xuất thân nhà nông, chị Châm thấy có phần “hơi hoang phí”.
Người Thứ 3 được phát sóng định kỳ vào lúc 20h thứ ba hàng tuần trên kênh YouTube Jet TV Show.
Cũng trong thời gian ấy, chồng chị Châm cho biết anh nợ ngân hàng 50 triệu đồng, chị nghĩ mình có thể san sẻ cùng chồng. Thế nhưng khi đăng kí kết hôn xong chưa kịp cưới thì người chồng thông báo số nợ lên tới 200 triệu đồng. Khi chị Châm thắc mắc thì anh ta dùng những câu nặng lời để đối đáp. Chị đem khúc mắc này hỏi mẹ chồng tương lai thì nhận ra sự không thật thà trong câu chuyện: “Khi anh không có nhà thì bà bảo do bài bạc, nhưng khi anh xuất hiện thì lại nói do làm ăn thua lỗ”.
Gạt bỏ mọi hoài nghi, chị Châm cùng chồng làm đám cưới. Nhưng ngay khi đám cưới vừa xong thì bất ngờ hòm tiền mừng cưới “không cánh mà bay” do bố chồng tự ý mang về nhà. “Mang hòm tiền về cũng không nói với tôi câu nào, tiền thì của chung hai họ. Tôi muốn biết để còn trả lễ cho người ta. Đến ba ngày sau mới gọi tôi sang để đếm tiền, tôi xem phong bì thì ba khách lớn nhất của tôi lại không có tên dù kiểm tra camera thì họ có bỏ tiền. Thế là xích mích xảy ra từ đấy”, chị Châm thuật lại.
Sau đó, gia đình chồng và người thân họp bàn về chuyện nợ nần. Số tiền khi ấy được công khai là 600 triệu đồng vào năm 2008. Khi chị Châm lên tiếng yêu cầu được biết rõ nguồn gốc tiền nợ, nếu nợ của riêng chồng thì hai vợ chồng sẽ bàn bạc, còn nợ làm ăn chung của cả họ thì mọi người phải cùng chịu trách nhiệm. Nghe đến đây, bố chồng chị thản nhiên nói “Coi như tao chưa có con dâu” dù mới cưới được 2 ngày. Trong khi đó, chồng lại thủ thỉ với mẹ rằng “Để con nói chuyện với nó (vợ) để nó hỗ trợ trả nợ”. Dù trong lòng lấn cấn nhưng chị Châm vẫn tự trấn an bản thân, tự xoa dịu cho mình và vẽ ra những viễn cảnh tương lai tươi sáng để cùng chồng vượt qua khó khăn.
Câu chuyện tiền bạc vẫn níu kéo cho tới khi chị Châm hạ sinh con đầu lòng. Chị từng đưa cho chồng 10 triệu đồng để chi tiêu trong tháng nhưng anh không đưa mẹ chồng tiền đi chợ. Chỉ vì câu chuyện ấy mà anh chồng thẳng tay bạo hành chị Châm khi chị chỉ vừa mới sinh con được 10 ngày: “Anh ta đứng trên giường nện tôi, dậm chân, đạp người tôi không tha một chỗ nào”. Sau lần ấy chị Châm đem đơn ly hôn xuống huyện nhưng chẳng ai giải quyết. Và rồi sợ con khổ, không có cha nên chị lại nguôi lòng.
Chị Châm cho hay khi ấy chị khá yếu đuối về tinh thần vì không biết dựa vào ai khi bố mẹ không còn, anh trai ở xa, dù bản thân chị là người phụ nữ có tiền, có sự nghiệp và vị trí nhất định trong xã hội. Thành ra chị lại cho rằng không gì bằng vợ chồng nên đã an phận chờ con lớn.
Chưa yên ổn được bao lâu, khi con chỉ mới được 6 tháng tuổi thì chị Châm phát hiện chồng có nhân tình bên ngoài. Vì chồng để điện thoại ở nhà nên chị Châm bất ngờ nghe máy cuộc gọi từ một người phụ nữ lạ. Chị Châm giả làm em gái về nhà mẹ sinh, còn người phụ nữ kia xưng là bạn gái của chồng chị, hôm nay hẹn anh ta đến đón về nhà chơi. “Khi chồng về thì tôi chỉ nhá máy, khi cô này gọi lại thì tôi đưa cho chồng, chưa kịp nghe gì thì anh ta nói nhầm số. Tôi tra hỏi thì anh chẳng nói gì, bảo “muốn làm gì làm”, chị Châm bày tỏ sự bất lực.
Từ sau sự việc ấy, chị lấy cớ đi làm ngoài Đà Nẵng. Hai mẹ con sinh sống ngoài ấy nhưng anh chồng lại chẳng đoái hoài hay hỏi thăm đến con. Khi sinh nhật con gái tròn 1 tuổi thì chồng chị Châm mới xuất hiện. Thái độ của anh ta hoàn toàn khác hẳn, bày tỏ hối hận, gửi lời xin lỗi và làm lành với chị: “Anh không hỏi một đồng nào nữa, đất cát ở nhà để cho bố mẹ tự lo tự trả. Anh ra đây là vì vợ vì con”.
Lập nghiệp cùng vợ mới được 1 tháng thì người nhà điện lên tìm. Hóa ra anh chồng rời quê tìm đến chị Châm là vì ở nhà có chuyện. Thực tế, người chồng và họ hàng cùng chung nhau mua bán đất đai nhưng anh ta bất ngờ bỏ đi khiến mọi người khốn đốn vì tiền nợ ngân hàng. Hai vợ chồng tiếp tục xảy ra cãi vã, anh chồng xé áo đòi về rồi bỏ đi khỏi nhà. Chị Châm lại xách xe đi tìm vì sợ chồng nghĩ quẩn. Sau đó, cả hai nói chuyện và động viên nhau, chị Châm khuyên chồng về bán hết đất đai để trả nợ cho xong và chồng chị cũng đồng tình.
Hai tháng sau khi chồng đi, chị phát hiện mình có thai 7 tuần: “Một đứa tôi đã gồng không nổi thì giờ có đứa thứ hai không biết sống kiểu gì”. Chị khăn gói về quê thuyết phục chồng ra Đà Nẵng để cả hai cùng vun vén nuôi con nhưng anh ta không đồng ý đi: “Anh ta nhấc con bé lên định giã một nhát luôn, ý là mày không nuôi là tao đập chết”. Sau sự kiện “chấn động” ấy, chị chấp nhận một mình nuôi hai đứa con.
Vì dùng dằng qua lại, nên hai vợ chồng tiếp tục hàn gắn. Anh chồng mua một căn nhà nhỏ ở quê nên khi sắp sinh người con thứ hai thì chị quyết định nghỉ việc hẳn để tập trung cho gia đình. Chồng chị Châm cũng quyết định đi làm nhưng nhất quyết không cho chị theo. Trong khi đó ở nhà, chị và hai con bị một đoàn người xăm trổ đến đòi nợ. Vì không có tiền nên có gì trong nhà họ đều gom đi hết từ bao gạo, chai nước mắm hay bình xăng con bán tạp hóa. Quá uất ức chị gọi điện cho chồng mắng xối xả.
Tiếp nối những sự việc để chị Châm quyết định “dứt áo ra đi” là chuỗi các hành động cụ thể như anh chồng về nhà “ăn cắp” tiền của vợ khiến chị mất niềm tin, âm thầm bán căn nhà ở quê dồn chị Châm và hai con vào “chỗ chết”, khiến chị bức xúc muốn ôm con nhảy xuống giếng. Chưa kể, cô nhân tình sau này cũng là vợ mới của chồng chị Châm còn gọi điện đến trách chị là người phụ nữ tệ bạc, không lo lắng cho gia đình và cặp kè trai gái.
Đến năm 2017, chị Châm buộc phải ủy quyền cho luật sư làm thủ tục ly hôn sau rất nhiều thời gian tự tìm cách ly hôn nhưng thủ tục quá phức tạp mà chị lại không có thời gian làm, phải lo kinh tế nuôi hai người con nhỏ.
Lắng nghe toàn bộ câu chuyện, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đánh giá có những người vốn đã mất đi chỗ dựa vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời như chị Châm. Tất cả đã tạo nên một nỗi sợ trong tiềm thức để khi có một ai đó gắn bó cả đời thì chị Châm luôn xem người này không thể mất đi. “Dù cho họ có tệ với mình cách mấy thì mình vẫn nghĩ thà có họ còn hơn không. Điều này khiến mình nghĩ những nỗi đau khác về thể chất và tiền bạc đều có thế vượt qua được”, Tô Nhi A khẳng định.
Chị Châm cũng công nhận điều mà tiến sĩ Tô Nhi A vừa nhận xét. Thời khắc khi tòa quyết định cuộc hôn nhân của mình đã dừng lại, chị Châm cảm giác như một sự thành công: “Buông được một gánh nặng lớn, nhẹ người và cuộc đời thênh thang hơn”.
Như Ngọc