Kinh tế Đà Nẵng đang đà phục hồi mạnh mẽ
6 tháng đầu năm nay, kinh tế của thành phố Đà Nẵng có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ sau hơn 2 năm chững lại do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Riêng quý II năm nay, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố này tăng 12,37% so với cùng kỳ năm trước.
Sự trở lại ấn tượng nhất của thành phố Đà Nẵng sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là hoạt động du lịch, dịch vụ. Từ cuối tháng 3, khi chủ trương “mở cửa bầu trời” nối lại các đường bay quốc tế, Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện ấn tượng, hấp dẫn du khách. Sau khi một số hãng hàng không của Singapore, Malaysia, Thái Lan… nối lại đường bay đến Đà Nẵng, đến nay đã có 286 chuyến bay với 35.000 lượt khách quốc tế đến thành phố này. Chỉ trong 2 ngày 24/6 và 25/6 vừa qua, sân bay Đà Nẵng đón hơn 210 chuyến bay quốc nội, vượt xa so với thời điểm trước dịch Covid-19. Riêng ngày 25/6, có 105 chuyến bay quốc nội và 9 chuyến bay quốc tế đưa khách đến với thành phố biển Đà Nẵng.
Hiện nay, nhiều khu, điểm du lịch đón lượng khách lớn, công suất buồng phòng dịp cuối tuần đạt 70% – 75%, có nơi kín phòng. Tổng số lượng khách đến Đà Nẵng 6 tháng qua đạt hơn 1,3 triệu lượt, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã ra mắt nhiều sản phẩm, chương trình mới để thu hút du khách.
“Chúng tôi kỳ vọng và đang rất mong chờ những dự án phát triển kinh tế ban đêm của thành phố được triển khai sớm nhất. Và thành phố đang nỗ lực cùng các ngành để tháo gỡ dự án sớm đưa vào triển khai dự án tổ hợp pháo hoa quốc tế cũng như tổ hợp công viên Châu Á. Chúng tôi rất kỳ vọng và mong chờ Chính phủ sẽ sớm có cơ chế thí điểm mạnh mẽ hơn cho các địa phương để phát triển kinh tế ban đêm”, bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.
Hoạt động du lịch trên đà phục hồi mạnh mẽ, thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng cũng có nhiều khởi sắc. Trong 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 17.000 tỷ đồng. Thành phố Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký gần 7 triệu đô la Mỹ. Mới đây, khách sạn Mikazuki thuộc Tổ hợp khu vui chơi giải trí Mikazuki 365 có tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng của Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) khai trương, đi vào hoạt động, thu hút đông đảo du khách trải nghiệm nghỉ dưỡng phong cách Nhật Bản.
Ông Okada Mikazuki, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mikazuki cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư và hình thành khu phố đêm, phố đi bộ để đánh thức vịnh Đà Nẵng: “Lý do mà chúng tôi đầu tư tại vinh Đà Nẵng, đầu tiên là vịnh Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế, vì ở đây chưa có khách sạn 5 sao, và đó là lợi thế của Mikazuki khi đầu tư. Khi Mikazuki đầu tư thành công sẽ kéo theo và thúc đẩy kinh tế và các vệ tinh xung quanh”.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố Đà Nẵng tiếp tục giữ đà tăng trưởng tốt khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,42%… Kinh tế thành phố đã dần phục hồi bám sát chủ đề năm 2022 của Đà Nẵng là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội”. Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch triển khai đề án “Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đạt kết quả bước đầu.
Tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 25/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu chỉ đạo nhiều nội dung mang tính định hướng, mở ra triển vọng mới trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến Đà Nẵng – thành phố động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định, thành phố tiếp tục đề xuất Trung ương cho phép địa phương thực hiện cơ chế đặc thù để sớm trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế, trung tâm du thuyền quốc tế:
“Trong phạm vi thẩm quyền của mình, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và kiến nghị với Trung ương để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư. Nhất là các điều kiện để hình thành Trung tâm tài chính; Khu phi thuế quan; Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm nghiên cứu và phát triển; đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư trên các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố”, ông Nguyễn Văn Quảng thông tin./.