Hé lộ mánh khóe giúp các thợ đào Bitcoin qua mặt nhà chức trách Trung Quốc
Ben là một trong những người đang theo đuổi việc khai thác Bitcoin tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Mong ước mỗi ngày của anh ta là không bị nhà chức trách bắt giữ. Tuy nhiên, Ben có thủ thuật để hạn chế nguy cơ bị lộ.
Thợ đào Bitcoin chưa chịu rời Trung Quốc
Giống các thợ mỏ khác ở Trung Quốc, Ben, người chỉ đồng ý cung cấp nickname, đã chuyển sang hoạt động ngầm kể từ khi Bắc Kinh đàn áp ngành này hồi đầu năm nay. Bây giờ, anh ta và những người chung chí hướng phải liên tục sáng tạo để tránh bị phát hiện.
Ben bố trí thiết bị khai thác Bitcoin của mình ở nhiều địa điểm khác nhau nhằm không gây sự chú ý với sản lượng điện mà chúng tiêu thụ. Thậm chí, gã này còn chọn cách “đi cửa sau”, lấy nguồn điện từ các hệ thống mà chưa được kết nối với lưới điện quốc gia, chẳng hạn như các con đập. Ngoài ra, Ben cũng thực hiện nhiều thủ thuật để xóa dấu vết về mình trên các tài sản số.
Ben nói rằng mình đã quen với việc thích ứng khi điều hành một doanh nghiệp ở Trung Quốc nhưng 6 tháng qua, nó đã đẩy sự thích nghi của Ben lên một tầm cao mới. “Chúng tôi không thể biết Chính phủ sẽ quyết tâm như thế nào để xóa sổ hoạt động khai thác tiền số”, Ben nói.
Dù Bắc Kinh đã rất mạnh tay với các hoạt động khai thác tiền số nhưng các nguồn tin của CNBC tin rằng khoảng 20% tổng số thợ đào Bitcoin vẫn hoạt động tại Trung Quốc. Con số này khá thấp so với đỉnh vào khoảng 65-75% hoạt động khai thác tiền số diễn ra ở Trung Quốc nhưng còn lâu nó mới có thể về 0.
Dữ liệu từ công ty an ninh mạng Qihoo 360 của Trung Quốc cho thấy các hoạt động khai thác tiền số ngầm đang phát triển tốt tại Trung Quốc. Trong báo cáo tháng 11, nhóm nghiên cứu ước tính rằng trung bình có 109.000 địa chỉ IP khai thác tiền số đang hoạt động ở Trung Quốc hàng ngày. Hầu hết số đó ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông.
Khai thác tiền số vẫn tồn tại ở Trung Quốc bởi một phần các thợ mỏ không tin Trung Quốc sẽ thực sự xóa sổ tiền số. Quá khứ cho thấy nhiều lần Trung Quốc muốn mạnh tay với tiền số nhưng sau đó họ lại hạ nhiệt căng thẳng. Chính điều đó khiến nhiều thợ mỏ tin rằng lệnh cấm của Trung Quốc sẽ sớm không còn giá trị như lúc ban đầu.
Canh bạc đầy rủi ro
Tuy nhiên, đó là sự đánh cược đầy rủi ro. Có vẻ lần này, Trung Quốc không chỉ muốn ngăn chặn tiền số mà còn khiến chúng không thể ngốn quá nhiều điện năng, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang quay quắt trong cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất thập kỷ qua, dẫn tới việc cắt điện luân phiên tại nhiều khu vực, bao gồm cả các trung tâm công nghiệp.
Trung Quốc nói rõ rằng việc khai thác tiền số đang cản trở các mục tiêu khí hậu của nước này khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cố gắng đưa phát thải ròng về 0 trong năm 2060. Hồi tháng 11, người phát ngôn Chính phủ Meng Wei đã chỉ trích hoạt động khai thác Bitcoin và gọi chúng là cực kỳ có hại đồng thời khẳng định sẽ xiết chặt quản lý với các hoạt động này.
Ngoài ra, tiền số cũng gặp phải sự cạnh tranh từ đồng tệ số. Trung Quốc đang thử nghiệm sử dụng phiên bản điện tử của đồng tệ. Điều này có thể dẫn tới việc các chính quyền địa phương phải nỗ lực hơn nữa trong việc truy quét hoạt động khai thác tiền số. Việc ngăn chặn các đồng tiền khác tồn tại trong hệ thống cũng khiến nâng cao giá trị của đồng tệ số.
Hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc đang đặc biệt chú ý đến lượng điện tiêu thụ của các trung tâm nghiên cứu, trung tâm cộng đồng, trường học… những nơi vốn được sử dụng điện ưu đãi. Tuy nhiên, nếu phát hiện những đối tượng được trợ giá ngấm ngầm hỗ trợ các hoạt động khai thác tiền số, Trung Quốc sẽ tăng giá điện để trừng phạt.
Hồi tuần trước, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo về việc phát hiện hàng chục cơ quan, tổ chức thuộc sở hữu nhà nước ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, đang sử dụng các nguồn lực công cộng để khai thác 12 loại tiền số, bao gồm bitcoin, ether, litecoin và monero. Trong số gần 50 người bị phạt có 21 người làm việc tại doanh nghiệp hoặc các cơ quan nhà nước Trung Quốc.
Tại khu vực ven biển Giang Tô, cơ quan giám sát phát hiện 21% số địa chỉ IP tham gia khai thác tiền số là từ các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước.
Bất chấp nỗ lực đáng kể từ nhà chức trách, những người như Ben vẫn đang tìm ra cách để không bị phát hiện. Một số người chuyển thiết bị sang nước khác nhưng một số vẫn bám trụ lại, đặc biệt là với các công ty nhỏ và trung bình. Đây cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lệnh cấm của Bắc Kinh, nhất là khi không thể giảm tải thiết bị để bù đắp tổn thất nhưng cũng không thể khai thác hết công suất vì lượng điện sẽ vọt lên nhanh chóng.
“Khai thác tiền số đã không còn là một công việc kinh doanh quy mô lớn nữa. Thay vào đó, ngành công nghiệp này trở nên phân mảnh với quy mô nhỏ hơn. Một vài nghìn thợ mỏ ở khu vực này, một vài nghìn thợ mỏ lại ở khu vực khác”, một thợ mỏ kỳ cựu cho biết trong điều kiện giấu tên.
Phân tán để tránh bị phát hiện
Ben, người bắt đầu khai thác tiền số năm 2015, có dàn trâu cày lên tới đơn vị hàng nghìn. Tuy nhiên, chỉ 1.000 giàn khai thác được kết nối với điện lưới. 5.000 giàn khai thác còn lại được kết nối với thủy điện, trực tiếp sử dụng điện từ nguồn tại tỉnh Tứ Xuyên, miền nam Trung Quốc. Với các thợ mỏ dựa vào điện lưới, Ben nói rằng họ phải phân tan khắp đất nước để không gây sự chú ý với cơ quan chức năng.
“Chúng ở mọi nơi. Bạn không thể tìm được một hình mẫu chung nào cả”, Ben nói về các thiết bị khai thác đấu nối với các đường dây điện công nghiệp ở bất cứ nơi nào có thể. Ngoài ra, giá thành cao cũng là điều khiến các thợ mỏ không mặn mà với điện lưới. Sử dụng điện ngoài lưới cho phép tỷ suất lợi nhuận cao hơn và dễ vận hành hơn.
Tuy nhiên, thủy điện có yếu điểm. Mùa mưa ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 5 đến cuối mùa thu. Khi lệnh cấm được ban hành, các thợ đào tiền số đổ xô đến Tứ Xuyên và Vân Nam, 2 trong số các tỉnh có nguồn thủy điện dồi dạo nhờ hệ thống đập phi tập trung. So với các nhà máy điện than ở Tân Cương và Nội Mông, nơi này dễ ẩn náu hơn rất nhiều.
Thực tế, ngay từ trước khi có lệnh cấm, thợ mỏ đã thuê hoặc chế tạo các máy biến áp và trạm biến áp của riêng mình. Điện này sẽ được cung cấp cho các khu mỏ. Ở Tứ Xuyên, Ben trả phí một lần để thuê toàn bộ một nhà máy điện nằm ngoài lưới điện. Đó là cách Ben tránh bị phát hiện.
Tuy nhiên, không phải Trung Quốc không biết tới tình trạng này. China Telecom, công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc, đã tăng cấp đôi hoạt động truy quét nhằm phát hiện các mỏ đáng ngờ. Những thông tin này sau đó sẽ được chuyển cho chính quyền trung ương rồi xuống chính quyền địa phương, dẫn tới các cuộc điều tra.
Ben tự thấy mình may mắn vì hợp tác tốt với chủ nhà máy nhiệt điện. Khi bị điều tra, ông này đã bao che cho Ben. Sau cuộc gọi, Ben đã dừng hoạt động khai mỏ trong vài ngày và tiến hành một số động thái nhằm che bớt lưu lượng Internet của mỏ trong quá trình khai thác tiền số. Sau khi hoàn tất, mỏ lại hoạt động trở lại bình thường.
Bên cạnh đó, các thợ mỏ Trung Quốc cũng tăng cường hợp tác với thợ mỏ trên khắp thế giới để tăng cường sức mạnh. Cụ thể, thay vì ký tên vào tiền số được khai thác, các nhóm ở Trung Quốc giờ đây chọn cách làm điều ngược lại để che giấu hành tung. Tuy nhiên, việc hợp tác sẽ vẫn đảm bảo lợi ích cho họ.
“Chúng tôi không nhất thiết phải tiết lộ bất cứ thông tin nào về mình. Về cơ bản, bạn đừng dại mà khoe khoang với thế giới rằng doanh thu của bạn chỉ bằng một nửa so với những gì bạn có”, Ben nói và giải thích vì sao thị phần khai thác Bitcoin của Trung Quốc về 0 chỉ sau một đêm. Đơn giản vì họ chia sẻ dữ liệu một cách tự nguyện với các nhóm khác.
theo Linh Anh / cafebiz.vn – 21/12/2021
link nguồn: https://cafebiz.vn/he-lo-manh-khoe-giup-cac-tho-dao-bitcoin-qua-mat-nha-chuc-trach-trung-quoc-20211221083653379.chn