‘Bom sex’ Cuba nhận nhiều lời khen khi đóng Marilyn Monroe


Tái hiện chân dung biểu tượng nhan sắc Hollywood Marilyn Monroe trong phim ‘Blonde’, nữ diễn viên Ana de Armas được báo chí quốc tế khen tài năng, tâm huyết, dù từng gây hoài nghi về khả năng.

Sau buổi công chiếu ở Liên hoan phim (LHP) Venice lần thứ 79 tại Italy, Blonde – phim tiểu sử về Marilyn Monroe – nhận tràng vỗ tay 14 phút. Lời khen từ các nhà phê bình và giới chuyên môn chủ yếu dành cho hình ảnh và diễn xuất của nữ chính Ana de Armas.

Blonde được chuyển thể từ tiểu thuyết hư cấu cùng tên của nhà văn Joyce Carol Oates và do đạo diễn Andrew Dominik thực hiện. Bộ phim theo dấu chân trưởng thành của cô gái nhỏ vùng California – Norma Jeane Mortenson – người từng bước trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng toàn cầu, mang tên Marilyn Monroe.

Bám sát tinh thần của nguyên tác, Blonde không chỉ kể lại chi tiết hành trình thành công của Marilyn, còn sử dụng những sự kiện cô trải qua trong đời làm chất liệu để hư cấu hóa tâm trạng và cuộc sống của nữ diễn viên, từ đó nêu bật những vấn đề của thời đại.

Từ khi được công bố sẽ tái hiện hình ảnh biểu tượng Hollywood thế kỷ 20, Ana de Armas vấp phải nhiều phản đối, nghi hoặc từ giới chuyên môn và người hâm mộ. Tuy nhiên, sau buổi công chiếu Blonde, ngôi sao gợi cảm đến từ Cuba chiếm được nhiều cảm tình và thay đổi suy nghĩ của báo giới quốc tế.

Ana de Armas tái hiện chân dung của biểu tượng sắc dục thế kỷ 20 Marilyn Monroe.

Ana de Armas tái hiện chân dung của biểu tượng sắc dục thế kỷ 20 Marilyn Monroe.

Nhà phê bình David Rooney của The Hollywood Reporter cho rằng những ai từng hoài nghi về Ana de Armas cần phải nhìn lại. Cây viết nhận định phần trình diễn của nữ diễn viên là màn tái hiện một biểu tượng Hollywood đầy tự do hơn là tạo nên một bản sao thiếu sáng tạo.

Trong khi đó, Richard Lawson từ Vanity Fair khẳng định nữ diễn viên đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh khi góp phần tạo nên một bức tranh sống động và đáng sợ về sự nổi tiếng. “Ana de Armas nhập vai đến mức đáng sợ. Cô ấy duy trì sự tập trung cao độ vào từng giọt nước mắt, từng tiếng la hét và từng sang chấn một cách đầy mãnh liệt”, Richard viết.

Bài viết trên Variety có dòng “Ana de Armas đã làm đúng với những điều khán giả mong muốn – cô ấy đã trở thành Marilyn Monroe”. Bài viết cho rằng chất giọng Cuba của nữ diễn viên không phải vấn đề khi cô đã làm người xem cảm nhận được nỗi buồn và cuộc sống bị giam cầm của Marilyn.

Trong khi đó, Yasmine Kandil từ Discussing Film nhận xét chất giọng nhẹ của Ana de Armas quá khác Marilyn Monroe, song nữ diễn viên đã bộc lộ “khả năng kiểm soát phi thường” khi gánh trên mình sức nặng từ việc khắc họa hình ảnh một biểu tượng văn hóa đại chúng.

Bên cạnh đó, các trang Decider, GamesRadarVulture đều đồng loạt đánh giá cao Ana de Armas khi thể hiện ánh mắt quyến rũ, chất chứa cảm xúc của tuyệt sắc giai nhân một thời. Với những phân đoạn tái hiện các cảnh phim kinh điển, phải mất một lúc, Marshall Shaffer từ trang Decider mới nhận ra người trên màn ảnh không phải Marilyn. Trong khi đó, chuyên trang Indiewire đánh giá Ana de Armas và Marilyn Monroe có sự tương đồng kỳ lạ.

Kết thúc buổi công chiếu tại Liên hoan phim Venice, Ana de Armas bật khóc trong tiếng vỗ tay tán thưởng dành cho êkíp. Trước đó, tác giả sách gốc đã dành lời khen cho một cảnh bạo lực, đổ máu do Ana thể hiện trong phim.

Ánh mắt, biểu cảm của Ana de Armas được nhận xét tinh tế.

Ánh mắt, biểu cảm của Ana de Armas được nhận xét tinh tế.

“Sự thay thế đầy hấp dẫn cho dòng phim tiểu sử cổ điển”

Tạp chí Vanity Fair dành lời khen có cánh trên cho bộ phim. Cây viết Richard Lawson đánh giá Blonde có cách kể chuyện đầy táo bạo và phức tạp. Bên cạnh đó, các trang DeadlineGamesRadar, TelegraphVariety đặt tác phẩm lên bàn cân với các bộ phim tiểu sử gần đây. Damon Wise đến từ Deadline viết: “Hãy quên SebergMank và Judy đi, Blonde của Andrew Dominik đã thổi bay toàn bộ khái niệm về dòng phim tiểu sử Hollywood và đạt đến những điều gần như chưa từng có tiền lệ”.

Variety đánh giá Blonde mang hình mẫu nhân vật đến gần khán giả hơn Elvis. Nhà báo kỳ cựu Robbie Collin từ Telegraph cho rằng bộ phim không giống những tác phẩm tiểu sử gần đây. Ông nhận định cấu trúc của Blonde gần giống I’m Not There – bộ phim thể hiện hình ảnh danh ca Bob Dylan dưới 6 góc nhìn khác nhau của đạo diễn Todd Haynes. Robbie viết: “Blonde có cách tiếp cận tương tự khi đập vỡ câu chuyện cuộc đời Marilyn Monroe ra thành nhiều mảng nhỏ lấp lánh, lạnh lẽo và đầy sắc nhọn đến mức có thể gây chảy máu”.

Theo Discussing Film, bộ phim có cách tiếp cận độc đáo với phần mở đầu tự nhiên trước khi dần chuyển sang những hình ảnh mang tính trừu tượng, đồng thời duy trì lối kể chuyện tuyến tính về cuộc đời và bi kịch của minh tinh sau ánh hào quang.

Ana de Armas (váy hồng) cùng đoàn phim nhận tràng vỗ tay kéo dài 14 phút sau buổi chiếu ở LHP Venice.

Ana de Armas (váy hồng) cùng đoàn phim nhận tràng vỗ tay kéo dài 14 phút sau buổi chiếu ở LHP Venice.

Về mặt hình ảnh, sự nghiệp của Marilyn Monroe trong Blonde được tái hiện bằng nhiều tỷ lệ khung hình khác nhau với những mảng màu đa sắc và đơn sắc xen kẽ. Lex Briscuso từ trang SlashFilm nhận định sự tinh tế về mặt thị giác là điểm mạnh của tác phẩm, đồng thời giúp phim lồng ghép được nhiều hình ảnh ẩn dụ. Sophie Monks Kaufman đến từ Indiewire đánh giá đạo diễn hình ảnh Chayse Irvin đã có một tác phẩm giàu năng lượng.

Đồng quan điểm, nhà báo Bilge Ebiri từ Vulture cảm nhận bộ phim chứa đựng nhiều thước phim đẹp và dù có sự lặp lại vẫn không tạo cảm giác nhàm chán, buồn tẻ. Với cây viết này, từng phân đoạn trong Blonde đã hợp thành một hành trình mang tính biểu cảm cao, biến những giấc mơ danh vọng thành một mê lộ kinh hoàng.

Blonde là một bộ phim tâm huyết của đạo diễn Andrew Dominik. Anh khởi động dự án này năm 2010 với vai nữ chính được giao cho Naomi Watts. Khi ấy, phim dự kiến có chi phí 20 triệu USD và bấm máy tháng 1/2011. Tuy nhiên sau đó, đạo diễn bận dự án khác, phim bị trì hoãn đến năm 2014 và Jessica Chastain được chọn thay thế Naomi. Nhưng 5 năm sau, phim mới thực sự được khởi quay. Lúc này, chân dung Marilyn Monroe được giao cho “bom sex” Ana de Armas thể hiện.

Đạo diễn Andrew Dominik cho hay lý do chính khiến kế hoạch làm phim trễ hẹn là tài chính. Anh đã lo lắng liệu mình kiếm được bao nhiêu tiền cho tác phẩm này và phải tìm nguồn đầu tư trong nhiều năm. Theo thông tin đã công bố, tác phẩm có chi phí sản xuất khoảng 22 triệu USD. Phim chiếu trực tuyến toàn cầu từ 23/9.

Theo Đỗ Hoàng (Theo Deadline, Decider, THR, Indiewire, Telegraph, VF, Variety, Vulture)