Bí mật phía sau chiếc iPhone đầu tiên


Trước khi bước ra sân khấu giới thiệu iPhone ngày 9/1/2007, Steve Jobs nói với cộng sự hãy ghi nhớ khoảnh khắc này: khoảnh khắc trước khi iPhone ra đời. Bởi trong khoảnh khắc tiếp theo, mọi thứ sẽ thay đổi.

Đó là vào năm 2005, khi máy nghe nhạc iPod là thiết bị giải trí thú vị nhất hành tinh. Doanh số “chạm nóc”, thiết lập hàng loạt kỷ lục. Apple gặt hái vô số giải thưởng cho những sáng tạo và công nghệ xuất sắc của mình. Mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió với tương lai xán lạn. Ấy vậy mà, chỉ duy nhất một người không hài lòng.

Steve Jobs – nhà sáng lập nhìn xa trông rộng của Apple – cảm nhận được một nguy cơ rõ rệt. Công nghệ di động đang phát triển nhanh chóng, có một thị trường khổng lồ chưa được khai phá và hàng tá các ông lớn điện tử tiêu dùng đang tìm cách xâm nhập. Jobs biết rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi một ai đó phát triển phần mềm và biến chiếc điện thoại thành một thiết bị giải trí. Nếu chiếc điện thoại có cả âm nhạc – và không chỉ nhạc mà còn game, truy nhập Internet và máy ảnh – vậy iPod còn nghĩa lý gì?

Steve Jobs cầm trên tay chiếc iPhone thế hệ đầu tiên tại sự kiện ngày 9/1/2007. (Ảnh: Reuters)

Thiết kế đầu tiên của iPhone Vì vậy, ông đã tập hợp một nhóm những kỹ sư, nhà thiết kế, nhà phân tích và nhà tư duy giỏi nhất tại Apple để nghĩ ra sản phẩm có thể thay đổi khái niệm điện thoại, ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc có thể giết chết “đứa con cưng” iPod.

Apple ra mắt smartphone ROKR E1 vào tháng 9/2007, đây là sản phẩm hợp tác với Motorola. Jobs không chung chí hướng với Motorola nên quyết định tự mò mẫm trong không gian mới. Công ty bắt đầu thử nghiệm và phân tích những điện thoại cao cấp cùng thời để hiểu họ đang làm gì. Hầu hết đều trang bị phím cứng, chẳng hạn BlackBerry của RIM hoặc màn hình cảm ứng đi kèm bút.

Nếu muốn chuyển đổi tính năng, chẳng hạn từ nhạc sang tài liệu, người dùng phải thao tác như trên các ổ đĩa Windows, không tiện lợi đối với điện thoại. Jobs cũng ghét bút cảm ứng. Những chiếc điện thoại khác không dùng bút là của Samsung và Bang & Olufsen. Chúng sử dụng bàn phím bánh xe quay với các số từ 0 đến 9.

Dù các kỹ sư Apple không ấn tượng với tất cả thiết kế này, họ vẫn nghĩ về một chiếc iPhone với ngoại hình của iPod nhưng kèm theo bánh xe để điều hướng. Ý tưởng đó khác hẳn với chiếc iPhone mà mọi người nhìn thấy sau cùng. Thiết kế đó đã phát triển như thế nào?

Cuộc tiến hóa của cảm ứng

Hóa ra Apple đã phát triển song song công nghệ cảm ứng. Công ty hướng tới một máy tính bảng dựa trên cảm ứng có thể thay thế laptop. Ý tưởng xuất phát từ năm 2003, đạt được các tiến bộ đáng kể về khả năng đa nhiệm và độ nhạy ngón tay trong bộ phận R&D.

Một ngày, Steve Jobs được mời đến quan sát nguyên mẫu máy tính bảng trang bị hai tính năng cảm ứng mới do kỹ sư Bas Ording thiết kế. Tính năng đầu tiên có tên cuộn quán tính, cho phép người dùng vuốt một danh sách trên màn hình, danh sách sẽ chuyển động nhanh chậm dựa theo tốc độ vuốt rồi dừng lại như thể có quán tính thực sự. Tính năng còn lại là hiệu ứng dải cao su. Nó khiến danh sách bật nảy trở lại khi không có thêm trang hay biểu tượng nào trên màn hình.

Jobs ấn tượng tới nỗi thốt lên: “Chúa ơi, chúng ta có thể phát triển một chiếc điện thoại từ thứ này”.

Apple không phát minh màn hình cảm ứng song là người khiến nó trở nên thú vị. Công ty thâu tóm startup Fingerworks năm 2005 để tận dụng kiến thức về màn hình cảm ứng. Họ tập trung tạo ra một phương thức tương tác với thiết bị di động hoàn toàn mới. Họ muốn khi mọi người vuốt qua bài hát hay bấm vào liên kết, phóng to thu nhỏ ảnh bằng ngón tay, một trải nghiệm mới phải được tạo ra. Và họ đã làm được. Đây là thành tựu quan trọng nhất của Apple khi thiết kế điện thoại thế hệ mới.

“Project Purple”

Tạo ra nguyên mẫu với công nghệ cảm ứng là một chuyện. Đầu tư hàng triệu USD, hàng ngàn giờ lao động của những kỹ sư giỏi nhất trái đất để sản xuất một thiết bị điện tử tiêu dùng và ra mắt thị trường – chưa bàn tới bán chạy hay không – lại là chuyện khác. Thế giới đã sẵn sàng cho thiết bị ấy chưa? Người dùng có trả giá cao cho chiếc điện thoại cao cấp này? Họ có thấy chúng hữu ích, vui vẻ, thú vị không? Sẽ thế nào nếu đối thủ đánh cắp và tái tạo công nghệ của họ?

Giữa những điều chưa chắc chắn, một nguyên nhân thuyết phục Jobs đi tiếp là khả năng làm việc với ứng dụng bên thứ ba. Apple đã giới thiệu iTunes vài năm trước, cho phép các ứng dụng bên thứ ba tạo ra nội dung cho người dùng iPod và nếu mô hình cũng áp dụng thành công cho iPhone, tác dụng của nó sẽ vô cùng. Điện thoại sẽ trở thành một máy tính mới. Không chỉ Apple nhìn ra điều này.

Dự án iPhone được bật đèn xanh. Nó là dự án tối mật, hầu hết người trong công ty không biết gì về nó. Dự án có tên mã “Project Purple”, chỉ những nhân viên giỏi nhất, trung thành nhất mới được lựa chọn, sau khi họ chấp nhận làm thêm giờ, thâu đêm và cuối tuần trong nhiều năm.

Nhóm bắt đầu làm việc trong một tòa nhà thuộc trụ sở Apple tại Cupertino, California. Trong phiên tòa giữa Apple và Samsung sau này, tòa nhà mới lộ diện: nó giống như một ký túc xá, nơi mọi người ăn ngủ tại đây, nơi này có mùi vị như một chiếc pizza, ở cửa trước là tấm biển báo “Fight Club” vì quy định đầu tiên của Project Purple là không được nói chuyện với người ngoài.

Nhóm được phân làm hai đơn vị: phần cứng và phần mềm. Nhiệm vụ của nhóm phần mềm là sáng tạo một giao diện hoàn toàn mới, mượt mà và tự nhiên. Mục tiêu của nhóm phần cứng là thiết kế điện thoại. Kỹ sư của hai bộ phận thường xuyên trao đổi và nhanh chóng đưa ra thiết kế gần như cuối cùng.

Tạo ra iPhone

Jonathan Ive là Phó Chủ tịch cấp cao về Thiết kế của Apple và là một trong những người phụ trách Project Purple. Steve Jobs từng gọi ông là “đối tác tinh thần”. Mùa xuân năm 2006, Ive đưa ra thiết kế iPhone khá giống iPod mini. Nó gần giống với mẫu iPhone đầu tiên nhưng Jobs không thích nó. Ông có cái nhìn rất sắc sảo: Nếu màn hình là giao diện duy nhất trên iPhone, thiết kế nên thể hiện màn hình ngay ở mặt trước chứ không phải trong khung nhôm.

Ive hiểu những điều Jobs truyền đạt và vài tháng sau, nhóm thiết kế làm lại từ đầu, cố tìm điều gì mới mẻ hơn. Apple quyết định sẽ ra mắt iPhone vào năm 2007 nên áp lực vô cùng lớn. Để tạo ra cái mới, họ phải nhìn vào cái cũ. Có một phác thảo từ một năm trước, vẽ hình chữ nhật đơn giản với góc bo tròn và một nút bấm trên bề mặt ở phía dưới. Nó là một tấm kính không có viền hay khung. Thiết kế ấy lấy cảm hứng từ chiếc điện thoại cảm ứng đầu tiên của Apple, Newton Pads, ra đời năm 1983. Ive và cộng sự hoàn thiện phác thảo. Nó trở thành thiết kế của iPhone mà thế giới quen thuộc.

Ngày 9/1/2007, tại sự kiện Macworld, Steve Jobs giới thiệu iPhone với cả thế giới. Ngày 29/6/2007, iPhone chính thức phát hành và trở thành tâm điểm của truyền thông. Bất kỳ nghi ngờ nào xoay quanh iPhone cũng bị xóa bỏ ngay khi thiết bị bán ra. iPhone gây tiếng vang lớn, được tạp chí Time xướng tên “Phát minh của năm” và bán hàng triệu máy trong năm đầu tại Mỹ. Nó khiến tất cả thiết kế khác trở nên quê mùa.

Câu chuyện thành công của iPhone là kết quả của tầm nhìn và sự hiểu biết đáng kinh ngạc, cũng như khối lượng và nhịp độ công việc để hiện thực hóa tầm nhìn. Nếu Apple không nhìn thấy trước làn sóng di động mới, không dấn thân vào thay đổi khái niệm điện thoại mà đắm chìm trong vinh quang của iPod, công ty của Steve Jobs không thể trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu như hôm nay.

theo Du Lam / cafebiz.vn – 11/01/2022

link nguồn: https://cafebiz.vn/bi-mat-phia-sau-chiec-iphone-dau-tien-20220111134406316.chn