Nhiều công ty thử nghiệm đi làm 4 ngày/tuần quá thành công, liệu đi làm 5 ngày/tuần sắp lỗi thời?
Người trẻ hoá ra không sai khi thích đi làm 4 ngày/tuần.
Tuần làm việc 4 ngày
Buffer – công ty sản xuất công cụ quản lý mạng xã hội đã đóng cửa văn phòng duy nhất từ 6 năm trước và cho phép toàn bộ nhân viên làm việc từ xa. Đến năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Buffer tiếp tục cho nhân viên nghỉ thêm một ngày/tuần mà không hề cắt giảm lương của họ, thậm chí còn tiết lộ mức lương của toàn bộ nhân viên, trong đó có cả sếp. Một năm sau, chính sách này vẫn được áp dụng.
Cụ thể, Buffer giảm bớt việc họp hành và các sự kiện lẻ mẻ không cần thiết, trong khi để nhân viên tăng năng suất làm việc trong ngày, mục đích để hoàn thành khối lượng công việc tương đương nhưng trong khoảng thời gian ngắn hơn. Đại diện công ty này cho biết có thể sẽ không bao giờ quay lại thời điểm làm 5 ngày/tuần nữa.
Một số người cho rằng, trong thời điểm mà các doanh nghiệp còn đang băn khoăn về giá trị văn phòng và người lao động thì luôn đòi hỏi thêm quyền lợi, những gì Buffer làm có vẻ khá “kỳ quặc” và đi ngược lại với số đông.
Nhân viên công ty này chia sẻ họ cảm thấy khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và ít bực bội khi được làm việc ít mà vẫn hưởng lương đều. Buffer cũng thừa nhận rằng công ty hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả và tập trung hơn. Điều này vô hình chung cho thấy một thực tế gây tranh cãi, rằng có thể, cách làm việc truyền thống 5 ngày/tuần là một sai lầm.
“Chúng tôi đã đạt được năng suất trong tuần làm việc 4 ngày. Trước đó, mọi người thường bị chôn vùi bởi những cuộc họp quá dài hoặc những dòng tin nhắn vô tận”.
Alex Soojung-Kim Pang , chuyên gia tư vấn việc làm cho biết.
Chính sách 1 tuần làm việc 4 ngày theo đó hút được khá nhiều sự quan tâm. Trước đại dịch, Microsoft Nhật Bản và chuỗi cửa hàng burger Shake Shack cũng áp dụng phương án này và ghi nhận kết quả vô cùng khả quan. Vào năm 2021, chính phủ Tây Ban Nha và Scotland cũng lên kế hoạch thử nghiệm trợ cấp, cho phép người lao động có thêm một ngày nghỉ.
Đầu tháng 2, tờ Reuters đưa tin Bỉ cho phép rút ngắn thời gian làm việc xuống còn 4 ngày/tuần. Nhân viên có thể làm việc tối đa 10 giờ/ngày để rút ngắn số ngày làm việc trong tuần, trong khi vẫn được hưởng lương trọn vẹn.
Tuy nhiên, ý tưởng cho nhân viên làm việc 4 ngày hưởng lương 5 ngày như Buffer là điều hiếm thấy. Tại Mỹ, chỉ có vài chục doanh nghiệp đi theo chế độ đãi ngộ này, tính đến tháng 7/2021. Đa số đều hoạt động theo quy mô nhỏ và công việc chủ yếu được thực hiện trên máy tính.
Hồi năm 2018, công ty Perpetual Guardian có trụ sở tại New Zealand tuyên bố rằng nếu nhân viên có thể tìm ra cách hoàn thành nhiều công việc hơn mỗi ngày, họ có thể rút ngắn số ngày đi làm trong 1 tuần. Công ty này sau đó đã lắp đặt tủ khóa để nhân viên tự nguyện cất điện thoại, nhằm hạn chế nhất có thể các yếu tố gây mất tập trung.
Chính sách này sau đó đã cho kết quả mĩ mãn. Công việc kinh doanh của Perpetual Guardian không những không bị ảnh hưởng mà nhân viên đi làm cũng thoải mái, vui vẻ và cống hiến nhiều hơn.
Thực tế nghiên cứu cho thấy khi giờ làm việc hàng tuần bị cắt giảm 20%, thời gian các nhân viên truy cập vào các trang web không liên quan đến công việc đã giảm 35%. Ngoài ra, tuần làm việc 4 ngày cũng giúp nhân viên tập trung hoàn thành công việc hơn và không bị phân tâm bởi những việc vụn vặt cá nhân.
Một số người còn chia sẻ rằng làm việc 4 ngày/tuần giúp họ chữa khỏi hội chứng “sợ ngày chủ nhật” – căn bệnh thường gặp ở những người lao động cảm thấy 1 ngày nghỉ cuối tuần là quá ngắn ngủi.
theo Huệ Anh / cafebiz.vn – 17/02/2022
link nguồn: https://cafebiz.vn/nhieu-cong-ty-thu-nghiem-di-lam-4-ngay-tuan-qua-thanh-cong-lieu-di-lam-5-ngay-tuan-sap-loi-thoi-20220217115206879.chn