Các chùm vệ tinh khổng lồ như SpaceX Starlink là mối đe dọa lớn với thiên văn học, hơn cả ô nhiễm ánh sáng
Những chùm vệ tinh siêu lớn này là mối đe dọa lớn nhất mà thiên văn học hiện đại phải đối mặt.
Các chuyên gia cảnh báo rằng các chùm vệ tinh dày đặc trên quỹ đạo Trái đất, bao gồm SpaceX Starlink và Amazon Kuiper, là mối đe dọa đối với thiên văn học, thậm chí chúng còn tồi tệ hơn cả ô nhiễm ánh sáng.
Có hơn 1.500 vệ tinh SpaceX Starlink đang ở trong không gian, SpaceX dự tính nâng số lượng lên đến 42.000 trong những năm tới và họ chỉ là một trong số các công ty đang tìm cách lấp đầy quỹ đạo tầm thấp của Trái đất bằng vệ tinh.
Các mạng lưới gồm hàng chục đến hàng nghìn vệ tinh này đã gây ảnh hưởng đặc biệt đến các nhà thiên văn học, vì chúng để lại dấu vết trong quá trình các nhà nghiên cứu quan sát không gian. Để giải quyết vấn đề và cùng với ngành công nghiệp vệ tinh tìm ra giải pháp, Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) đã thành lập Trung tâm Bảo vệ bầu trời khỏi ảnh hưởng của chùm vệ tinh.
Các chuyên gia cảnh báo: chùm vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất, bao gồm SpaceX Starlink và Amazon Kuiper, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với thiên văn học
Piero Benvenuti, Tổng thư ký IAU kiêm giám đốc trung tâm mới, cho biết những chùm vệ tinh siêu lớn này là mối đe dọa lớn nhất mà thiên văn học hiện đại phải đối mặt.
Ông có kế hoạch tập hợp các nhà thiên văn học, các nhà khai thác vệ tinh và các nhà quản lý để tìm ra giải pháp, có thể bao gồm các thay đổi phần mềm tại các đài quan sát và điều chỉnh các vệ tinh để giảm tác động của chúng đối với việc quan sát.
Từ 60 vệ tinh Starlink đầu tiên được phóng vào năm 2019, hiện SpaceX đã phóng vệ tinh thứ 2.000 vào quỹ đạo thấp của Trái đất trong tháng 1 vừa qua, với hàng chục vệ tinh được phóng mỗi tháng. Dù SpaceX là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh lớn nhất nhưng không chỉ có họ đang đưa vệ tinh thương mại và quỹ đạo Trái đất.
Từ 60 vệ tinh Starlink đầu tiên được phóng vào năm 2019, SpaceX đã phóng vệ tinh thứ 2.000 vào quỹ đạo thấp của Trái đất trong tháng 1 vừa qua. Trừ một số đã bị lỗi và ngừng sử dụng, có khoảng 1.500 vệ tinh đang hoạt động.
Các công ty khác, chẳng hạn như Amazon Kuiper và OneWeb, cũng có kế hoạch tăng đáng kể tổng số vệ tinh, và Trung Quốc có kế hoạch xây dựng mạng lưới 13.000 vệ tinh. Mục đích của các vệ tinh này là cung cấp internet vệ tinh cho các địa điểm nông thôn, nơi không có cáp quang.
SpaceX đã thực hiện các bước nhằm giảm độ sáng của vệ tinh khi nhìn từ Trái đất bằng lớp phủ và tấm chắn. OneWeb chọn cách hoạt động ở quỹ đạo cao hơn, khoảng 1200 km, so với 550 km của SpaceX, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu mà các nhà thiên văn học đề ra.
Trung tâm mới sẽ được đồng điều hành bởi tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh Square Kilometer Array Observatory (SKAO) và National Optical-Infrared Astronomy Research Laboratory (NOIRLab) của Mỹ.
Cả hai tổ chức này đều đang phát triển kính thiên văn thế hệ tiếp theo và lo sợ rằng các quan sát của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi vệ tinh.
Hình ảnh nhóm thiên hà NGC 5353/4 được chụp bằng kính thiên văn tại Đài quan sát Lowell ở Arizona, Mỹ. Các đường chéo là những vệt sáng phản xạ do vệ tinh Starlink để lại ngay sau khi phóng vào năm 2019
Benvenuti cho biết: “Trước đây, nguồn gây nhiễu chính là ô nhiễm ánh sáng do đèn đô thị. Nhưng gần đây, tác động của các chùm vệ tinh lớn đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn.”
Các nhà thiên văn có thể tránh tác động của ánh sáng đô thị bằng cách đặt kính thiên văn của họ ở những địa điểm hẻo lánh trên Trái đất – chẳng hạn như sa mạc Chile, Australia và Nam Phi, nhưng họ không thể tránh được các chùm vệ tinh.
Các vệ tinh có thể được phát hiện ngay cả bởi kính thiên văn quang học và hồng ngoại nhỏ nhất, gây ra vấn đề lớn cho các nhà thiên văn học.
Thậm chí, những vệt sáng từ các lần phóng vệ tinh Starlink có thể được quan sát bằng mắt thường mà không cần đến kính thiên văn. Những cư dân ở thành phố Asheville, Bắc Carolina (Mỹ) đã có một phen bất ngờ khi nhìn lên bầu trời đêm và thấy vệt sáng kỳ lạ xuất hiện phía dãy núi Blue Ridge và nghĩ rằng đó là sao chổi.
Vệt sáng khi phóng vệ tinh Starlink trên bầu trời
Hóa ra, những vệt sáng bí ẩn ấy lại đến từ một thứ khá nổi tiếng. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Greenville-Spartanburg, Carolina, xác nhận những vệt sáng trên bầu trời được nhiều người nhìn thấy thật chất không phải sao chổi và càng không phải UFO, chúng chính là các vệ tinh SpaceX Starlink được phóng lên không gian.
SpaceX mới đây đã giới thiệu gói dịch vụ mới cho Internet vệ tinh Starlink, gói dịch vụ này mang đến tốc độ cao hơn. Gói dịch vụ mới được gọi là Starlink Premium , cung cấp tốc độ từ 150 đến 500Mbps với độ trễ 20 đến 40 mili giây, tăng từ 50 đến 250Mbps với cùng độ trễ so với dịch vụ cơ bản. Tốc độ upload cũng được cải thiện, từ 10 đến 20Mbps ở gói tiêu chuẩn lên 20 đến 40Mbps trên gói Premium. Với dịch vụ mới, SpaceX sẽ tiếp tục phóng nhiều vệ tinh hơn lên quỹ đạo để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng.
Vệt vệ tinh Starlink xuất hiện trong ảnh thiên hà Andromeda, được chụp bởi Zwicky Transient Facility.
Một nghiên cứu gần đây của Zwicky Transient Facility ở San Diego cho thấy vệ tinh Starlink làm gián đoạn 1/5 hình ảnh mà họ thu được. Cơ sở này được thiết kế để theo dõi các tiểu hành tinh, và họ dự đoán rằng nếu có 10.000 vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp của Trái đất, mọi hình ảnh sẽ chứa ít nhất một vệt vệ tinh.
theo RYANKOG / cafebiz.vn – 11/02/2022
link nguồn: https://cafebiz.vn/cac-chum-ve-tinh-khong-lo-nhu-spacex-starlink-la-moi-de-doa-lon-voi-thien-van-hoc-hon-ca-o-nhiem-anh-sang-20220210092052652.chn