Tuyết phát quang màu xanh kỳ lạ ở Bắc Cực, cảnh tượng có 1-0-2


Nguyên nhân khiến tuyết phát sáng này không quá xa lạ nhưng đây là lần đầu tiên nó xuất hiện ở Bắc Cực.

Nga là một quốc gia có nhiều điều rất độc đáo, thậm chí mới đây nhất người ta còn phát hiện ra tuyết phát quang sinh học có màu xanh lam.

Vào tháng 12 vừa qua, nhà sinh vật học người Nga Vera Emelianenko khi đi dạo đến Biển Trắng ở cực bắc nước Nga đã rất ngạc nhiên khi thấy một thứ gì đó bất thường trong tuyết. Nó là một đốm sáng màu xanh lam trông giống như những ngọn đèn Giáng sinh.

Tuyết phát quang màu xanh kỳ lạ ở Bắc Cực, cảnh tượng có 1-0-2 - 1

Đi cùng với Emelianenko là Mikhail Neretin và 2 con chó. Đây cũng là lần đầu tiên Neretin nhận thấy ánh sáng màu xanh kỳ lạ này trong tuyết. Khi những con chó chạy về phía trước, nó để lại một vệt sáng trong tuyết. Đặc biệt, nếu bóp đống tuyết phát sáng này trong tay, ánh sáng sẽ phát ra mạnh hơn.

Nhiếp ảnh gia Alexander Semenov sau khi nghe thông tin liền bị thu hút và quyết định ghi lại hiện tượng này. Trong khoảng 2 tiếng, Emelianenko và Semenov cùng nhau giậm chân vào tuyết để ánh sáng phát ra mạnh mẽ hơn. Sau đó, Semenov đã chụp ảnh lại và chia sẻ lên mạng xã hội. Những bức ảnh này ngay lập tức được lan truyền rất nhanh. Các nhà khoa học trên khắp nước Nga đều bị hấp dẫn bởi hiện tượng này.

Tuyết phát quang màu xanh kỳ lạ ở Bắc Cực, cảnh tượng có 1-0-2 - 3

Emelianenko lấy một quả cầu tuyết phát sáng đem để dưới kính hiển vi. Trong khi đợi tuyết tan chảy, Emelianenko phát hiện ra có một số loại chân chèo và động vật giáp xác thuỷ sinh nhỏ. Khi chọc kim vào chúng, những loài động vật này phát ra ánh sáng màu xanh lam nhạt.

Hóa ra những sinh vật này là “bọ biển”, thường được tìm thấy trong đại dương ở độ sâu 100m vào ban đêm. Đôi khi chúng có thể gây ra hiện tượng phát quang sinh học men theo bãi biển, khiến một vùng biển phát sáng trong bóng tối.

Tuyết phát quang màu xanh kỳ lạ ở Bắc Cực, cảnh tượng có 1-0-2 - 4

Loại tuyết phát sáng này trước đây chưa từng được nhìn thấy tại trạm sinh học của Nga, mặc dù nơi này đã mở cửa được 80 năm. Ksenia Kosobokova, một chuyên gia về động vật phù du biển Bắc Cực tại Học viện Khoa học Nga ở Moscow cho rằng, hiện tượng hiếm gặp có thể là kết quả của việc động vật chân chèo bị dòng điện cực mạnh đẩy chúng lên bờ và rơi vào tuyết.

theo Phan Hằng / 24h.com.vn – 11/01/2022

link nguồn: https://www.24h.com.vn/du-lich-24h/tuyet-phat-quang-mau-xanh-ky-la-o-bac-cuc-canh-tuong-co-1-0-2-c76a1323213.html