8 phim Việt về tình cha con đáng xem


Từ ‘Chuyện nhà Mộc’ cách đây hơn 20 năm đến ‘Em chưa 18’, ‘Bố già’, ‘Dân chơi không sợ con rơi’ những năm gần đây, tình cha bước lên màn ảnh Việt qua nhiều góc nhìn, gieo nhiều cảm xúc.

Trong dòng chảy điện ảnh và truyền hình châu Á, chân dung người mẹ thường được ưu ái hơn người cha. Dù được đề cập không nhiều, tình cảm cha con đôi khi vẫn được khắc họa đầy tình cảm qua những câu chuyện từ đời thường bước lên màn ảnh, để lại dấu ấn đáng nhớ qua một số phim Việt Nam.

‘Chuyện nhà Mộc’ (năm 1998)

Bộ phim hai tập bước vào hàng kinh điển của màn ảnh nhỏ Việt Nam hơn 20 năm trước, xoay quanh câu chuyện giáo dục của gia đình ông bà Mộc ở một vùng nông thôn Bắc Bộ. Kiếp nông dân suốt đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng ông Mộc có tư duy nuôi dạy con cực kỳ tiến bộ. Ông và vợ có thể chắt bóp ăn tiêu nhưng sẵn sàng chi bạc triệu, đưa con gái lớn – Mai – ra Hà Nội luyện thi, thực hiện ước mơ sĩ tử với hy vọng đổi đời bằng chữ nghĩa. Tháng ngày cha con ông Mộc từ quê ra phố và gặp đủ thứ tình huống bi hài mang lại những tiếng cười lẫn sự xúc động cho người xem.

Dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Trần Lực, phim Chuyện nhà Mộc lưu giữ ký ức về các lò luyện thi, dãy nhà trọ bình dân của thủ đô một thời. Phim gây cười duyên dáng nhưng gửi gắm nhiều thông điệp về tình cha, tình mẹ và những gian lao tìm chỗ đứng nơi thị thành của dân tỉnh lẻ.

‘Khi đàn ông góa vợ bật khóc’ (năm 2013)

Ở bộ phim này, NSND Công Lý “già hóa”, vào vai người đàn ông trung niên “gà trống nuôi con” tên Lâm. Lúc con gái thứ ba chào đời, vợ ông Lâm mất vì sinh khó. Ông Lâm cả đời day dứt vì vắng mặt lúc vợ ra đi, trong khi các con trách ông khiến họ mất đi hơi ấm của mẹ. Quan hệ cha con trải qua nhiều rạn nứt, nhất là khi ông Lâm mắc bệnh Alzheimer và các cô con gái gặp nhiều sóng gió, cám dỗ trong cuộc đời. Đây là một trong các phim truyền hình thành công nhất năm 2013.

NSND Công Lý hóa thân người cha cả đời lo nghĩ cho con nhưng thương con không đúng cách.

NSND Công Lý hóa thân người cha cả đời lo nghĩ cho con nhưng thương con không đúng cách.

‘Em chưa 18’ (năm 2017)

Đây là một phim hài – tình cảm, chủ yếu khai thác chuyện tình cách biệt tuổi tác giữa cô nữ sinh quái chiêu (Kaity Nguyễn đóng) và tay huấn luyện viên gym sát gái (Kiều Minh Tuấn đóng). Song, yếu tố tình cảm gia đình, cụ thể là tình cha con, đủ gây ấn tượng dù chỉ là những lát cắt nhỏ.

Trong phim, hình ảnh hai người cha đơn thân được xây dựng thú vị. Nghệ sĩ Quang Minh thể hiện chân dung ông bố phong độ về ngoại hình, trẻ trung trong tính cách. Ông thường thủ thỉ chuyện trò với cô con gái tuổi 17 như hai người bạn. Phản ứng của ông bố này khi biết con gái mình yêu ở tuổi học trò, lại có mối quan hệ tình cảm với người hơn nhiều tuổi, rất văn minh và tâm lý.

NSƯT Chánh Tín đảm nhận vai bố của Kiều Minh Tuấn. Ông là người cha khó tính, hay gắt gỏng với con nhưng mỗi lời mắng đong đầy sự quan tâm. Đáng nhớ nhất là cuộc điện thoại khi người cha hồi tưởng ngày mới cưới và lúc mới có con. Câu chữ đơn giản đời thường, không sến sẩm hay nặng tính tuyên giáo. Cuộc trò chuyện ấy đã làm chàng trai yêu đương lăng nhăng thay tâm đổi tính, sẵn sàng cho trọng trách làm chồng, làm cha.

Nghệ sĩ Quang Minh đóng ông bố tâm lý của Kaity Nguyễn.

Nghệ sĩ Quang Minh đóng ông bố tâm lý của Kaity Nguyễn.

‘Cha cõng con’ (năm 2017)

Bộ phim kể về hành trình người cha đưa con từ quê nhà ở vùng núi Tây Bắc xuống thành phố chữa bệnh hiểm nghèo. Suốt chặng đường vài trăm cây số, cha cõng con trên lưng, ngang dọc các phố phường, lang thang các bệnh viện, leo thang bộ mấy chục tầng để đứa con chạm vào giấc mơ đứng trên tòa nhà cao nhất thành phố.

Một cảnh phim Cha cõng con.

Một cảnh phim ‘Cha cõng con’.

‘Về nhà đi con’ (năm 2019)

Series ăn khách được lấy cảm hứng từ phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc, cũng xoay quanh chuyện một ông bố và ba cô con gái nhưng câu chuyện tiết chế bi kịch, cài cắm nhiều chất hài, xây dựng tình tiết hợp lý và lôi cuốn. So với phim gốc, ba cô con gái trong Về nhà đi con có số phận vất vả hơn; các vấn đề nhà cha mẹ đẻ – nhà chồng, hôn nhân – ngoại tình, tình cảm cha con đều được khắc họa sâu sắc hơn.

Tổ ấm của NSƯT Trung Anh và ba cô con gái Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân trong phim Về nhà đi con.

Tổ ấm của NSƯT Trung Anh và ba cô con gái Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân trong phim ‘Về nhà đi con’.

’30 chưa phải Tết’ (năm 2020)

Trong phim hài giễu nhại này, nam chính Trường Giang trở về quê nhà sau nhiều năm xa cách với mục đích thu mua mảnh đất của người cha (NSƯT Việt Anh) cho công ty của bố vợ tương lai. Không may, anh mắc kẹt trong ngày 30 Tết. Hết đêm, ngày này lặp lại và người con phải ở mãi bên người cha anh ghét bỏ. Trong vòng lặp vô tận này, hai cha con buộc đối diện nỗi đau quá khứ. Nhưng cũng chính nhờ ngày “30 chưa phải Tết” ấy, họ nhìn thấu được nỗi khổ tâm của nhau.

NSND Việt Anh và Trường Giang vào vai hai cha con ghét bỏ nhau.

NSND Việt Anh và Trường Giang vào vai hai cha con ghét bỏ nhau.

‘Bố già’ (năm 2021)

Như nhiều gia đình ngoài đời thực, ông Ba Sang (Trấn Thành) và con trai Quắn (Tuấn Trần) thương nhau nhưng cất trong lòng, đối thoại với nhau vài ba câu lại đấu khẩu vì những sai khác trong quan niệm, tư tưởng. Càng quan tâm nhau, họ càng làm tổn thương nhau. Tình thương của cha là gánh nặng trên vai con. Tư duy cởi mở của con lại là âu lo với cha.

Bộ phim cũng đưa ra những quan điểm mới về chữ hiếu, đề cao việc cha mẹ đặt lòng tin và cho con cái cơ hội được phụng dưỡng mình. Tác phẩm hiện dẫn đầu doanh thu lịch sử điện ảnh Việt với hơn 400 tỷ đồng trong nước và khoảng một triệu USD ở Mỹ.

Cha con Trấn Thành - Tuấn Trần.

‘Cha con’ Trấn Thành – Tuấn Trần.

‘Dân chơi không sợ con rơi’ (năm 2022)

Quân (Tiến Luật) không giỏi gì ngoài tán gái. Ngày nọ, một trong các tình cũ đi ngang đời Quân đặt vào tay anh một bé gái rồi bỏ trốn qua biên giới. Gã trai đành giã biệt kiếp phong lưu, loay hoay học cách chăm em bé, lao động mưu sinh để trở thành cha đơn thân bất đắc dĩ.

Tôn vinh tình cha nhưng không hạ thấp tình mẹ, câu chuyện gửi gắm thông điệp tích cực về cách ứng xử của các cặp tình nhân, cặp vợ chồng đối với chuyện phân chia quyền nuôi con sau đổ vỡ. Phim cân đối chất hài bình dân đặc trưng của nhà sản xuất Thu Trang – diễn viên Tiến Luật với yếu tố cảm xúc của tình cảm gia đình. Ngoại trừ số ít cảnh cường điệu bi kịch và khiến các vai diễn vật vã trong đau khổ, phim khơi gợi được sự cảm động đối với người xem.

Tiến Luật lần đầu đóng chính, trở thành người cha đơn thân.

Tiến Luật lần đầu đóng chính, trở thành người cha đơn thân.

Theo Phong Kiều/ngoisao.net-10/8/2022

Link nguon: https://ngoisao.vnexpress.net/8-phim-viet-ve-tinh-cha-con-dang-xem-4497718.html