5 phim Việt về nghề giáo được khen


Qua phần hóa thân của diễn viên Hiền Mai, Hồng Ánh, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Hồ Ngọc Hà, năm bộ phim chạm cảm xúc người xem vì câu chuyện đời thường về nghề giáo.

Từ đời sống bước lên màn ảnh, nghề giáo thường được tôn vinh trân trọng, trở thành chủ đề của các phim nổi tiếng Thung lũng hoang vắng, Tuổi thần tiên, Hải âu… Phim truyền hình Mùa lá rụng là tác phẩm hiếm hoi chỉ ra mặt trái của ngành nghề này.

‘Thung lũng hoang vắng’ (2001)

Hồng Ánh bên các học trò dân tộc trong phim Thung lũng hoang vắng.

Hồng Ánh bên các ‘học trò’ dân tộc trong phim ‘Thung lũng hoang vắng’.

Tác phẩm của đạo diễn Nhuệ Giang kể về hành trình các thầy cô giáo nhọc nhằn mang con chữ lên vùng cao. Cố nghệ sĩ Nguyễn Hậu đảm nhận vai thầy hiệu trưởng kiêm bảo vệ của ngôi trường. Hai diễn viên Hồng Ánh và Tuyết Hạnh vào vai hai cô giáo từ miền xuôi lên miền ngược công tác. Bộ phim thể hiện niềm say mê nghề nghiệp, lòng yêu trẻ của các nhà giáo; đồng thời khắc họa cảm giác cô đơn, bó buộc và khát khao yêu đương khó lòng với tới của những phụ nữ trẻ tuổi đôi mươi.

Tại một buổi chiếu giao lưu năm 2018, Hồng Ánh chia sẻ niềm vinh dự khi bộ phim tiêu biểu của mình được nhắc tới mỗi dịp 20/11. Trong phim, vai cô giáo Giao của cô có lúc bị hiểu lầm nhưng sau cùng lấy lại được tin yêu của đám trẻ. Còn ở hậu trường phim, nữ diễn viên cũng trải qua những ngày đầu “muốn phát điên với lũ trẻ”.

Các diễn viên nhí tại Sa Pa có lúc sẵn sàng hợp tác với êkíp, nhưng nhiều khi không chịu nói tiếng Kinh, hỏi gì cũng nói không biết, thậm chí đi bộ 30 km bỏ về trường mà không xin phép ai trong đoàn. Nhưng sau một thời gian gắn bó, lũ trẻ ngày càng thân thiết với Hồng Ánh, hay dậy từ 4-5h sáng, hái hoa rừng mang tặng cô.

‘Tuổi thần tiên’ (1995)

Hiền Mai đóng cảnh đàn hát cùng các em bé mầm non trong bộ phim đầu tiên.

Hiền Mai đóng cảnh đàn hát cùng các em bé mầm non trong bộ phim đầu tiên.

Bộ phim kể về cô giáo trẻ tên Mai. Nghiêm khắc uốn nắn cậu học trò cu Tí, Mai bị bố mẹ của Tí gây khó dễ, ép thôi việc. Vai diễn đến với nữ hoàng ảnh lịch Hiền Mai sau cuộc tuyển chọn gồm 200 ứng viên.

Lần đầu đóng chính, Hiền Mai chịu áp lực lớn vì không tìm được tiếng nói chung với đạo diễn. Cô từng phải cấu vào vai đến thâm tím để tìm nước mắt. Đổi lại, cô có nhiều khoảnh khắc kết nối cảm xúc đầy ăn ý với diễn viên nhí Bùi Thanh Chương, cậu bé bốn tuổi rưỡi vào vai cu Tí.

‘Mùa lá rụng’ (2001)

Phim truyền hình kinh điển dựa theo hai tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn và Đám cưới không giấy giá thú của nhà văn Ma Văn Kháng. Câu chuyện chính của phim kể về sự rạn nứt của gia đình ông Bằng, một gia đình gia giáo, học thức cao nhiều thế hệ ở Hà Nội, trước làn sóng mở cửa hậu bao cấp. Ông Bằng là một nhà giáo về hưu, một người con trai và cháu nội của ông cũng nghiệp nghề giáo. Giáo dục trở thành một vấn đề được phim chú trọng.

Trong bối cảnh nông thôn, câu chuyện phim chỉ ra sự phân rã về tư tưởng trong học đường, nơi có những thành phần lạm dụng chuyện dạy thêm để tư lợi, dung túng cho giáo dục phi đạo đức, đồng thời có những nhà giáo chân chính dũng cảm lên tiếng chống tiêu cực.

NSƯT Đỗ Kỷ (trái) và diễn viên Tuấn Kiên vào vai hai thầy giáo say nghề và dũng cảm chống lại tiêu cực học đường.

NSƯT Đỗ Kỷ (trái) và diễn viên Tuấn Kiên vào vai hai thầy giáo say nghề và dũng cảm chống lại tiêu cực học đường.

’12A&4H’ (1995)

Phim truyền hình nổi tiếng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chủ yếu kể về thời học trò mơ mộng của lớp 12A – một trường trung học tại Hà Nội. Trung tâm câu chuyện là bốn cô bạn thân Hạ, Hân, Hoa và Hằng. Dù vậy, vai diễn thầy Minh chủ nhiệm của nghệ sĩ Quốc Tuấn cũng để lại nhiều ấn tượng đẹp trong ký ức khán giả.

Thầy Minh lãng mạn, chân thành, thương học trò. Thầy nhận được tình cảm yêu mến của nhiều học sinh ngoan nhưng cũng đối mặt đủ thứ rắc rối do nhóm học sinh cá biệt gây ra. Rời khỏi bục giảng, thầy Minh trở về nhà với bao trận cằn nhằn của bà vợ khó tính.

Khác với nhiều phim về nghề giáo, 12As&4A đề cập đến mối tình thầy trò giữa thầy Minh và Hằng, một thành viên của nhóm 4H. Những rung động giữa hai nhân vật được mô tả nhẹ nhàng và ý nhị tựa như cơn “cảm nắng”, không gây phản cảm.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn và diễn viên Thu Hương kể chuyện tình thầy trò trong 12A&4H.

Nghệ sĩ Quốc Tuấn và diễn viên Thu Hương kể chuyện tình thầy trò trong ’12A&4H’.

‘Chiến dịch trái tim bên phải’ (2005)

Đây là một trong các phim đầu tiên đưa Hồ Ngọc Hà đến với nghề diễn. Cô vào vai cô giáo Hoài An đáng yêu và gần gũi. Coi cô Hoài An là thần tượng, nhóm học trò siêu quậy tìm đủ cách giúp cô nên duyên với người đàn ông phù hợp.

Tác phẩm lãng mạn, dí dỏm trong bối cảnh Hà Nội. Thời ấy, Hồ Ngọc Hà mang dáng vẻ chân chất, diễn xuất chưa đạt độ chín nhưng trong trẻo và khá tròn vai. Phim còn có sự góp mặt của NSƯT Trần Lực, NSƯT Minh Châu, NSƯT Diệu Thuần, hot girl Mi Vân.

Hồ Ngọc Hà trong vai cô giáo Hoài An của phim Chiến dịch trái tim bên phải.

Hồ Ngọc Hà trong vai cô giáo Hoài An của phim ‘Chiến dịch trái tim bên phải’.

‘Hải âu’ (2003)

Mất một tay sau tai nạn, Lâm bỏ thành phố đến một đảo xa, tham gia nhóm giáo viên tình nguyện của địa phương. Nơi đây, cô giáo Đào miệt mài truyền con chữ, còn Lâm truyền lửa nghệ thuật cho những đứa trẻ nghèo. Đổi lại, chính lũ trẻ vực lại tình yêu cuộc sống cho Lâm.

Ca sĩ Phi Hùng và diễn viên Kim Ngân trong phim Hải âu.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng và diễn viên Kim Ngân trong phim ‘Hải âu’.

Trong vai Lâm, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng phát huy nền tảng ballet được đào tạo bài bản. Ngoài ra, anh còn thể hiện ca khúc nhạc phim. Vai diễn mang về cho anh giải Diễn viên triển vọng tại giải thưởng Cánh diều. Sau nhiều năm, Nguyễn Phi Hùng vẫn hay nhắc đến phim Hải âu như một kỷ niệm đẹp.

Dù không nổi tiếng bằng vai nữ chính trong Người đàn bà yếu đuối, cô giáo Đào phim này cũng là một dấu mốc đẹp trong sự nghiệp của diễn viên Kim Ngân. Dàn diễn viên nhí trong phim chủ yếu là các em bé tại bối cảnh Phan Thiết. Một em trong số đó bị tật ở chân, mang ước mơ nhảy múa từ ngoài đời bước vào trong phim.

Đến bây giờ, bộ phim vẫn được xem nhiều trên YouTube và được khen xúc động. Cảnh tượng những đôi chân, bàn tay lấm lem bùn đất ngượng ngùng xoay chuyển trên cát là một trong những hình ảnh đẹp nhất của phim.

Phong Kiều/ngoisao.net – 19/11/2021

Link nguon: https://ngoisao.net/5-phim-viet-ve-nghe-giao-duoc-khen-4387215.html